Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng Yongxia tìm hiểu về người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam
Căn cứ Khoản 1, Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định “Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.”
Từ quy định nêu trên, các tiêu chí để được coi là người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp bao gồm:
- Người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của Doanh nghiệp nước ngoài.
- Doanh nghiệp nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam theo một trong các hình thức: tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
- Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Người lao động nước ngoài di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam.
- Người lao động nước ngoài đã được Doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.
a. Cơ quan cấp xác nhận: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
b. Thời gian thực hiện: Người sử dụng lao động đề nghị cấp xác nhận trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
c. Thời hạn giấy xác nhận: Theo thời hạn của Hợp đồng/Văn bản Doanh nghiệp nước ngoài cử người lao động sang Việt Nam nhưng không quá 2 năm.
d. Hồ sơ (theo quy định tại Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP):
i. Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ.
ii. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe.
iii. Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
iv. Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
v. Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ: chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật; Hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp nước ngoài, hợp đồng/văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử người lao động sang làm việc tại hiện diện thương mại của họ Việt Nam.
Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực các giấy tờ: các giấy tờ quy định tại điểm ii, iii và v là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và có chứng thực trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.
e. Thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy xác nhận: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.